Sữa chua kiểu Hy Lạp là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Sữa chua kiểu Hy Lạp được làm từ sữa đã lên men và bổ sung thêm một số vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.
Trong các bài viết khác, Toàn có nói về sữa chua Hy Lạp nhưng chưa có bài viết nào nói chi tiết về sữa chua Hy Lạp là gì? Đây là lý do Toàn viết riêng một bài viết về sữa chua Hy Lạp để bạn tìm hiểu chi tiết về nó.
Sữa chua Hy Lạp tốt cho sức khỏe ngay cả khi chỉ ăn một lượng nhỏ. Nó cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu và thúc đẩy giảm cân, giữ cho đường ruột khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe phụ nữ, tăng khả năng miễn dịch, tăng mật độ xương, thúc đẩy chức năng tuyến giáp và hỗ trợ tiêu hóa.
1. Sữa chua Hy Lạp là gì?
Sữa chua Hy Lạp là một loại sữa chua giàu protein được sản xuất bằng cách lên men vi khuẩn đường lactose có trong sữa, giải phóng axit lactic làm đông tụ protein sữa và tạo ra các hợp chất thơm đặc trưng.
Sữa chua Hy Lạp đặc hơn và nhiều kem hơn sữa chua thông thường vì hầu hết váng sữa đã được lọc và vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Sữa chua Hy Lạp chứa gấp đôi lượng protein của sữa chua thông thường và ít đường lactose hơn, phù hợp cho những người không dung nạp đường lactose.
Cách làm sữa chua Hy Lạp cũng gần giống với cách làm sữa chua thông thường, tuy nhiên cần thực hiện thêm 1 bước lọc để loại bỏ phần nước của sữa (whey). Do đó, sữa chua Hy Lạp sẽ đậm đặc và có kết cấu kem mịn nhiều hơn so với sữa chua thông thường.
2. Thành phần dinh dưỡng của sữa chua Hy Lạp
Sữa chua Hy Lạp là một loại sữa chua ít chất béo hoặc không có chất béo, ít ngọt, đặc và béo hơn sữa chua thông thường. Sữa chua Hy Lạp cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn 2 cốc sữa chua Hy Lạp mỗi ngày sẽ cung cấp đủ lượng kali, canxi, vitamin B12, vitamin B2 và phốt pho.
Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein gấp đôi so với sữa chua thông thường và đây là nguyên nhân khiến cơ thể có cảm giác no vì đây là thực phẩm chứa rất ít đường, là lựa chọn thông minh cho những người ăn kiêng low-carb.
Sữa chua thông thường và sữa chua Hy Lạp có giá trị dinh dưỡng rất khác nhau. Bảng dưới đây so sánh một số chất dinh dưỡng có trong 245g sữa chua loại ít béo:
Sữa chua thường | Sữa chua Hy Lạp | |
Lượng calo | 154 | 179 |
Carb | 17g | 10g |
Đường | 17g | 9g |
Protein | 13g | 24g |
Chất béo | 4g | 5g |
Canxi | 34% nhu cầu hàng ngày | 22% nhu cầu hàng ngày |
Natri | 7% nhu cầu hàng ngày | 4% nhu cầu hàng ngày |
3. Lợi ích sức khỏe của sữa chua Hy Lạp
3.1 Sữa chua Hy Lạp hỗ trợ tiêu hóa
Lợi khuẩn hay men vi sinh (probiotic) là những vi sinh vật có lợi tồn tại trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua.
Sữa chua Hy Lạp hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này giúp làm giảm phản ứng viêm và nguy cơ mắc nhiều bệnh tật khác nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng giúp kích thích hoặc điều hòa hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh như dị ứng, tiêu chảy, trầm cảm và bệnh đái tháo đường typ 2.
Cả sữa chua thường và sữa chua Hy Lạp đều cung cấp những thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như protein, vitamin B, chứa men sinh hỗ trợ tiêu hóa. Vì thế cả 2 loại này đều đáp ứng nhu cầu về khả năng bồi bổ sức khỏe cho con người. Việc lựa chọn loại thực phẩm nào là tùy theo sở thích của người dùng.
3.2 Thích hợp cho người không dung nạp lactose
Những người không dung nạp lactose khi ăn các sản phẩm từ sữa thường có cảm giác khó chịu, rối loạn tiêu hóa như đầy hơi và tiêu chảy… Khi ăn sữa chua, lượng men vi sinh có trong thực phẩm này giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa đường lactose.
Sữa chua Hy Lạp còn chứa lượng lactose ít hơn sữa chua thường nên càng phù hợp với những người không dung nạp lactose.
3.3 Tốt cho tim mạch
Ăn sữa chua có thể cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Ăn các sản phẩm sữa lên men giúp làm giảm nguy cơ tích tụ mảng bám và xơ cứng động mạch, một tình trạng có liên quan đến tăng huyết áp.
Một nghiên cứu ở 73.882 người bị tăng huyết áp đã cho thấy rằng ăn 2 khẩu phần sữa chua trở lên mỗi tuần giúp làm giảm 21% nguy cơ đột quỵ ở nam giới và 17% nguy cơ ở phụ nữ so với những người ăn dưới 1 khẩu phần mỗi tháng.
Tương tự, trong một nghiên cứu ở 1.981 nam giới khỏe mạnh, những người tiêu thụ nhiều các sản phẩm sữa lên men có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 27% so với những người tiêu thụ ít. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng việc tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa không lên men có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Lợi khuẩn trong sữa chua còn giúp làm giảm mức cholesterol bằng cách ức chế một số enzyme.
3.4 Kiểm soát chứng trầm cảm
Các vi khuẩn probiotic có trong sữa chua đã được phát hiện có ảnh hưởng đến tâm trạng và hoạt động như một liên kết trực tiếp giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột. Ăn sữa chua có thể làm giảm hoạt động ở các bộ phận của não chịu trách nhiệm về cơn đau và cảm xúc.
3.5 Giảm nguy cơ loãng xương
Sữa chua là nguồn cung cấp canxi cùng với vitamin D dồi dào, vì vậy thường xuyên ăn sữa chua sẽ giúp xương và răng chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương.
3.6 Tăng cường khả năng miễn dịch
Sữa chua Hy Lạp có chất chống ôxy hóa tăng cường miễn dịch. Vitamin D và men vi sinh giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Probiotics hỗ trợ số lượng tế bào bạch cầu khỏe mạnh để chống lại các tác nhân gây bệnh.
3.7 Cải thiện sức khỏe cơ bắp
Hàm lượng protein cao giúp xây dựng khối lượng cơ bắp sau một buổi tập luyện. Protein trong sữa chua làm giảm sự mất khối lượng cơ và thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp. Nó cung cấp carb và protein thiết yếu mà cơ thể cần để phục hồi cơ bắp.
3.8 Hỗ trợ giảm cân
Ăn sữa chua thường xuyên cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại chứng viêm (nhờ các vi khuẩn tốt trong đó), điều này có thể góp phần làm giảm cân. Những người trưởng thành béo phì ăn ba phần sữa chua không béo mỗi ngày giảm cân nhiều hơn 22% so với những người không ăn sữa chua. Sữa chua không chỉ giúp đốt cháy chất béo mà còn giúp duy trì khối lượng cơ nạc dễ dàng hơn.
Nguồn: suckhoedoisong.vn